Bình Định đất và người tiềm ẩn cội nguồn Du Lịch trong và ngoài nước

Cẩm nang du lịch Cẩm nang du lịch Quy Nhơn Du lịch trong tỉnh bình định

Bình Định đất và người – Người Bình Định có tiếng là thô mộc. “Lời nói ngắn như một đòn đánh thẳng”. Cũng phải thôi, sống với tâm thức của những người đi mở đất. Lúc nào tổ tiên ta cũng đứng trong tâm thế sẵn sàng nên có thói quen chẳng làm thừa thứ gì. Chẳng để việc nào dư, cả lời nói cũng thế. Thời hiện đại đâm ra… có ích, vì hễ nói là đến đích, nói là hiểu ngay.

Bình Định đất và người

Người là Hoa của Đất. Vâng vì người là hoa của đất nên Đất- Người xứ nẫu còn sinh ra một làn dân ca bài chòi ngọt như tiếng mẹ ru. Một điệu tuồng giàu tính ước lệ, cách điệu đến một cành cây cũng thành ngựa. Thành bão giông. Võ là thế. Văn cũng thế. Xưa có Đào Tấn, Nguyễn Bá Huân, Nguyễn Trọng Trì thì nay có Yến Lan. Phạm Hổ…

Thậm chí bắt nguồn với đất này nhiều người đã vụt lên sáng chói – Xuân Diệu, Quách Tấn, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Bích Khê… Bạn tôi, một nhà thơ, có lần đứng trên đỉnh đèo Bình Đê nhìn về phương Nam mà cảm khái – Năm xửa năm xưa vùng này chắc hoang vu bạt ngàn rừng rú. Vậy mà với một manh áo phất phơ, một gánh can trường, tiền nhân ta đã xẻ núi làm đường, khai sơn phá thạch làm nên làng xóm. Trăm năm dâu bể tích bồi mới có được ngày nay. Có để mình đứng đây phóng một cái từ Bắc vào Nam lòng tràn đầy kiêu hãnh về quê hương.

Đất như thế. Người là như thế. Mời bạn ngẫm lại mà xem…

Bình Định Đất Võ Trời Văn - Photo Chú Hà Nguyễn
Bình Định Đất Võ Trời Văn – Photo Chú Hà Nguyễn

 Thám hiểm Thành cổ Tà Kơn Vĩnh Thạnh

Đá xếp thành một bức tường thành cao, kỳ vĩ
Đá xếp thành một bức tường thành cao, kỳ vĩ

Bình Định đất và người Lên Tà-Kơn (xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh) để không chỉ được thấy thành đá Tà-Kơn. Đây: xứ sở của những huyền thoại. Của những bản hơmoan hát thâu đêm, nơi ngọn lửa Tà Lốc – Tà Lek vẫn âm ỉ cháy trong mỗi tấm lòng. Và đây nữa: vùng đất của những người vùng cao hồn hậu, chất phác…

Tôi thử hình dung nay mai, lên Vĩnh Thạnh, ghé suối nước nóng, ta lại lên Tà-Kơn bằng con đường mới. Phía dưới là mây trời, gió núi và vẻ đẹp của vùng lòng hồ Định Bình, hồ A Vĩnh Sơn. Không khí thoáng đãng, mát mẻ của Vĩnh Sơn, vẻ đẹp nao lòng của những thác nước. Cái hồn hậu của những con người vùng cao, sự ấm nồng của ché rượu cần, cái thấm nghĩa đậm tình của bát cơm lúa rẫy, rồi vườn cam Nguyễn Huệ. Di tích cấp quốc gia đang được huyện lập dự án trùng tu lại… Bấy nhiêu tưởng cũng đã làm nên một sức hút. Chưa nói đến vẻ hấp dẫn kỳ bí của thành Tà-Kơn cùng một chuyến thám hiểm băng rừng.

Ghềnh Ráng: Nàng tiên vừa thức

Truyền thuyết kể rằng, ngày xưa có một cô gái “sắc nước, hương trời”. Ở Bồng Sơn bị bọn tham quan, ô lại truy đuổi định cưỡng bức, phải chạy trốn vào Quy Nhơn. Đến Ghềnh Ráng, bỗng dưng sấm chớp bão bùng, núi nứt một khe lớn, nàng biến mất. Người yêu cô tìm đến chỉ còn thấy bóng nàng ẩn hiện trên bầu trời. Từ đó nơi đây được đặt tên là “Ghềnh Ráng Tiên sa”.

Ghềnh Ráng không chỉ đẹp bởi truyền thuyết mà thực tế cũng là một bức tranh sơn thủy hữu tình, hiếm nơi nào có được. Phía tây nam núi xanh trùng điệp như muốn vươn tận trời xanh. Phía đông bắc biển xanh bao la, ôm lấy bãi cát vàng, cong cong như trăng lưỡi liềm mùa hạ. Đi dọc theo triền núi ta sẽ được chiêm ngưỡng một số “tác phẩm” tuyệt đẹp của thiên nhiên. Có tảng đá giống như đầu sư tử đang lao đầu xuống biển xanh. Tượng “Vọng phu” trầm tĩnh xa xăm. Rồi những gấu đá, voi đá nằm chầu như đang canh giữ biển trời.

Ghềnh Ráng như nàng tiên được đánh thức sau một giấc ngủ dài.
Ghềnh Ráng như nàng tiên được đánh thức sau một giấc ngủ dài.

Trong bóng cổ thành

Tôi khẽ chạm tay lên vách tường cổ đỏ au trong lòng tháp. Những bước chân của gió và cát, đọng lại thành những vết thời gian hiện hình trên từng phiến gạch. Màu thời gian, chỗ đỏ – phơi mình mà đỏ, chỗ sạm đen – dấu của rêu phong còn in hằn trên từng viên gạch. “Đừng quá triền miên trong lòng tháp”- nhớ lại lời khuyên của Hoài Thanh, tôi bước chân ra ngoài đỉnh đồi để ngắm nhìn tháp Cánh Tiên bay trên nắng cổ thành Đồ Bàn – Hoàng Đế (huyện An Nhơn).

Tháp Cánh Tiên có thể là dấu vết còn của một quần thể kiến trúc đậm đặc tháp mang phế tích hãy còn đây đó trong cổ thành. Vươn cao 20 m trên đỉnh đồi, Cánh Tiên như một sự bứt phá trên tầm cao không gian, như một lời khẳng định về bản lĩnh và sức sáng tạo của con người. Toàn thân tháp là cả một hình khối mạnh mẽ, từng chi tiết cũng như muốn thu mình, muốn bứt phá. Bộ diềm mái, rồi hệ thống đá điểm góc, trang trí nhiều lớp tạo cho Cánh Tiên vẻ bề thế, sang trọng mà huyền bí. Tất cả tạo thành một cảm giác như những đôi cánh đang bay lên, vừa thanh thoát, nhẹ nhàng, lại vừa duyên dáng, huyền diệu, như một người con gái.

Một góc khu Nội của thành Hoàng Đế (An Nhơn). Ảnh nhỏ: Một đoạn bờ thành đất của thành Hoàng Đế
Một góc khu Nội của thành Hoàng Đế (An Nhơn). Ảnh nhỏ: Một đoạn bờ thành đất của thành Hoàng Đế

Dưới chân núi Hoàng Mai – Bình Định đất và người …

Tôi về làng Vinh Thạnh (xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước), quê hương của danh sĩ, nhà soạn tuồng xuất sắc thời cận đại Đào Tấn. Đường làng trải dưới chân đi. Âm âm trên mỗi bước chân, dưới những gốc duối, những cây trái vườn nhà, tưởng còn nghe rộn tiếng trống chầu một thuở Học bộ đình, ngôi trường đào tạo nghệ sĩ hát bội của cụ Đào…

Đường vào làng Vinh Thạnh hãy còn nguyên chiếc cổng làng, trên đề bốn chữ Vinh Thạnh lý môn (cổng làng Vinh Thạnh), rồi đình làng Vinh Thạnh, nơi Đào Tấn được cả làng tôn vinh như một vị thần và một lòng thờ cúng. Một làng ẩn nhiều trầm tích văn hóa. Dọc theo con đường làng uốn giữa màu xanh cây trái tỏa hình xương cá, là những bờ rào chè, duối xanh và những ngôi nhà vẫn còn mang chút nề nếp xưa, thâm trầm bên đời sống phố thị đang dần lấn đến.

Mộ danh nhân Đào Tấn trên núi Hoàng Mai
Mộ danh nhân Đào Tấn trên núi Hoàng Mai

Mũi Rồng – Tân Phụng

Từ thị trấn Phù Mỹ vượt 20 km về xã Mỹ Thọ, du khách sẽ thấy một ghềnh đá màu đỏ, nhô ra biển chừng 20 m, chính giữa ghềnh đá có một khoảng trống, có hòn đá lớn nhô lên ngày đêm nước biển xô vào rồi trào ra miệng như rồng phun nước trắng xóa. Đó chính là Mũi Rồng – một thắng cảnh đẹp, thu hút nhiều khách đến tham quan.

Theo truyền thuyết, Mũi Rồng xưa kia nguyên là một khối, hình giống vi cá chép, dân địa phương gọi là “Đá Vảy Rồng”. Đời nhà Đường, Cao Biền- một thầy địa lý chuyên tìm những nơi có long mạch để yếm và ông đã tìm đến Mũi Rồng này. Cao Biền thấy Mũi Rồng có linh khí kết tụ bèn phù phép chém đứt để trừ hậu họa.

Long mạch bị chém đứt, vảy rồng rơi, máu rồng đổ. Máu rồng đọng lại tạo thành những hòn đá son nhỏ nằm lẫn trong cát. Loại đá son này rất cứng. Khi mài với nước cho ra thì lại thắm đỏ, khi cầm không dính tay nên được truyền tụng loại son trời cho. Xưa, học trò khắp nơi hay về đây để lấy loại đá về làm son cho thầy chấm bài. Nếu tinh ý ngày nay thỉnh thoảng ta vẫn có thể tìm thấy những hòn son màu đỏ nằm lẫn trong cát biển.

"Hang Mũi Rồng", xã Mỹ Thọ, Phù Mỹ
“Hang Mũi Rồng”, xã Mỹ Thọ, Phù Mỹ

Bình Định đất và người – Sương khói Hội Vân

Từ thị trấn Ngô Mây (Phù Cát) đi về hướng Tây chừng 10km, ta sẽ gặp suối nước khoáng Hội Vân. Đây là một thắng cảnh và cũng là một trong bốn nguồn nước nóng được dùng để chữa bệnh ở nước ta.

Chuyện xưa kể rằng, lâu lắm rồi, ngày ấy có một nàng công chúa Champa không may mắc phải một chứng bệnh lạ, da dẻ sần sùi, lở lói. Mặc dù vua cha đã cho tìm kiếm thầy thuốc giỏi khắp nơi về chữa trị, nhưng bệnh tình của công chúa vẫn không khỏi. Để giúp công chúa vơi bớt nỗi buồn, mỗi lần đi săn, ngài đều đưa nàng theo.

Một ngày kia khi đến một góc rừng hoang vu, giữa đại ngàn xanh thẳm, nhìn thấy giữa dòng suối nọ có những mạch ngầm sủi lên trông rất đẹp, nhà vua bèn ra lệnh quây màn cho công chúa tắm. Không ngờ, khi tắm xong ghẻ chóc trên người công chúa tự nhiên mất hết, da dẻ trở lại hồng hào. Suối nước khoáng Hội Vân được biết đến từ đó.

Suối Khoáng nóng - Hội Vân - Phù Cát
Suối Khoáng nóng – Hội Vân – Phù Cát

Hầm Hô trong diện mạo mới

Hầm Hô là một thắng cảnh cách thị trấn Phú Phong (Tây Sơn) chừng 5km về phía Tây. Mấy năm gần đây, nhờ được bảo vệ khá tích cực, rừng cây, sông suối ở khu di tích Hầm Hô (Tây Phú-Tây Sơn) đã thắm xanh trở lại. Nơi đầu nguồn Hầm Hô, dọc sông Kút hoa lá tươi hơn, tiếng chim hót nhiều và vui hơn.

Nếu lên đập dâng – vùng trung tâm của thắng cảnh bằng xuồng, chắc chắn sẽ có lúc hoa lá lòa xòa sẽ vờn qua mặt bạn. Ở những đoạn tĩnh lặng, tiếng nước reo rì rào hòa cùng tiếng gió luồn qua rừng cây tạo thành một bản hòa âm tuyệt diệu. Môi trường sinh thái vùng Hầm Hô đang phục hồi…

Thắng cảnh Hầm Hô
Thắng cảnh Hầm Hô

Nguồn: Sưu Tầm