Lễ Hội Bình Định Là nơi hội tụ và giao thoa văn hóa nhiều dân tộc, các hình thức văn hóa dân gian đa dạng; mỗi năm Bình Định diễn ra rất nhiều lễ hội đặc sắc khác nhau. .
Các lễ hội Bình Định thường tập trung vào mùa xuân, mang đậm sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên.
Và sau đây 7 lễ hội Bình Định phổ biến nhất
Lễ hội Cầu Ngư
Bình Định là vùng đất có địa hình đa phần là biển đảo, vì vậy lễ hội Cầu Ngư là hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng phổ biến của người dân chài Bình Định. Lễ hội thường được tổ chức vào mùa xuân và mùa thu hằng năm. Vào ngày này phải có đầy đủ kiệu rước, đội trống chiêng, đội chèo bả trạo, hát tuồng, ban nhạc, diễn xướng…
Theo nghi lễ. Làng Xương Lý hay Vũng Nồm tổ chức lễ vào mồng 10 tháng giêng âm lịch, làng Hưng Lương hay Vũng Bấc lại tổ chức ngày mồng 6 tháng 3 âm lịch. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm của hai làng này và thu hút hàng nghìn người tham dự mỗi mùa lễ hội.

Lễ hội Đống Đa – Tây Sơn
Lễ hội Đống Đa – Tây Sơn được tổ chức nhằm tưởng nhớ công ơn của Nghĩa quân Tây Sơn đã bảo vệ Tổ quốc. Được tổ chức trong 2 ngày, từ chiều mồng 4 Tết đến hết ngày mồng 5 Tết âm lịch tại thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn. Chiều mồng 4 Tết diễn ra chương trình tế lễ với nhiều nghi lễ cổ truyền đặc sắc được tổ chức tại Bảo tàng Quang Trung và khu tâm linh Đàn tế Trời Đất.
Ngày mồng 5 Tết mỗi năm lại có sự thay đổi song nội dung chính vẫn là ôn lại những chiến công vang dội của phong trào nông dân Tây Sơn và cuộc đại phá quân Thanh. Thể hiện qua chương trình trống trận Tây Sơn, biểu diễn võ thuật và thao diễn trận pháp. Ngoài các chương trình chính ra còn có các hoạt động văn hóa dân gian khác như đua thuyền, trò chơi dân gian, hát tuồng, hội đánh bài chòi…
Đây là lễ hội Bình Định quy mô, hoành tráng nhất có sức hút đông đảo khách du lịch cả trong và ngoài nước. Ngày nay, lễ hội Đống Đa đối với người dân đất võ đã trở thành niềm tự hào và việc tham gia lễ hội cũng là nhu cầu tinh thần không thể thiếu được trong những ngày đầu xuân.

Lễ hội Chợ Gò
Lễ hội Chợ Gò (còn gọi là Hội xuân Chợ Gò) diễn ra tại thôn Phong Thạnh,thị trấn Tuy Hòa, huyện Tuy Phước vào ngày mồng 1 Tết âm lịch. Trong tâm thức của mỗi người Bình Định, lễ hội Chợ Gò là nơi vui chơi, cầu lộc cho năm mới. Chợ họp từ sáng sớm ngày đầu năm mới, người dân các bùng phụ cận mang bán các sản vật địa phương mình. Tuy nhiên, hình thức mua – bán này không nặng về kinh doanh, không nói thách hay trả giá mà tuân thủ theo ý niệm trao lộc cho nhau, tặng những niềm vui nhỏ trong ngày đầu năm mới, thể hiện mong ước một năm sung túc.
Trải qua hơn 300 năm, ngày này đi chợ du khách có thêm những trò chơi giải trí như chơi bài chòi, chọi gà, cờ tướng, kéo co… Trai gái đi hội chợ Gò chen chân, liếc mắt để tìm bạn tình. Đặc biệt nhất phải kể đến màn giao lưu múa võ cổ truyền tôn vinh truyền thống miền đất võ Bình Định cũng như việc huấn luyện quân sĩ dưới thời Tây Sơn – Nguyễn Huệ.

Lễ hội chùa Ông Núi
Chùa Ông Núi là một ngôi chùa cổ đẹp nổi tiếng tọa lạc tại xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Nơi đây cứ đúng 24 tháng giêng hằng năm đều diễn ra lễ hội thu hút đông đảo người tham dự. Người ta đến đây để thưởng ngọan cảnh chùa, cảm nhận nét văn hóa đặc sắc và cầu nguyện cho một năm mới an lành, thịnh vượng.
Lý do chọn ngày diễn ra lễ hội sau Tết âm lịch này là do trùng ngày giỗ của Hòa thượng Thích Viên Minh – trụ trì của chùa lúc sơ khai và cũng là một trong những người có nhiều đóng góp cho sự phát triển của lịch sử Phật giáo Bình Định.

Lễ hội Đèo Nhông
Lễ hội Bình Định này được tổ chức vào ngày mồng 5 tháng giêng hằng năm tại Đèo Nhông nhằm kỷ niệm chiến thắng Đèo Nhông – Dương Liễu (1965) của lực lượng quân khu V và bộ đội địa phương. Đây là chiến thắng góp phần cùng miền Nam đánh bại chiến lược chiến tranh đặc biệt của địch, đánh một dấu mốc chói lói trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước hào hùng. Địa điểm Đèo Nhông nằm trên trục đường quốc lộ 1 thuộc xã Mỹ Phong và Mỹ Trinh, huyện Phù Mỹ.

Lễ hội Đô thị cổ Nước Mặn
Được ra đời từ rất sớm, lễ hội Đô thị cổ Nước Mặn (tổ chức hàng năm từ mồng 1 đến mồng 3 tháng 2 âm lịch) là một trong những lễ hội truyền thống có quy mô lớn nhất Bình Định, cách đây gần 4 thế kỷ. Địa điểm tổ chức lễ hội tại chùa Bà, thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước.
Trong lịch sử, khu vực thôn An Hòa từng là cảng thị Nước Mặn nổi tiếng sầm uất, lễ hội Nước Mặn là sự đánh dấu thời kỳ phồn vinh cũng như thể hiện tinh thần dung hợp văn hóa văn hóa Việt – Hoa khi biên giới Đại Việt mới tới núi Đá Bia (Đèo Cả-Phú Yên), và cứ thế duy trì, phát triển theo nhịp sống của cảng thị này.
Mặc dù ngay nay cảng thị đã suy tàn song lễ hội Nước Mặn vẫn được duy trì để hoài niệm về một đô thị thương cảng đã từng là trung tâm thương mại, văn hóa một thời của Bình Định; chùa Ông (Quan Thánh đế miếu) và chùa Bà (Thiên Hậu miếu) được lập nên để thờ cúng. Vào ngày diễn ra lễ hội, người dân ở đây thắp đèn lồng, các nhà đều chuẩn bị đồ ăn để sẵn sàng chào đón khách thập phương đến với lễ hội giống như một dịp Tết khác trong năm vậy.

Lễ hội Đua Thuyền
Lễ hội đua thuyền diễn ra vào ngày mồng 2 Tết âm lịch tại Gò Bồi, thuộc thôn Tùng Giản, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước – quê ngoại nhà thơ Xuân Diệu. Lễ hội gắn với cư dân ven đầm Thị Nại, có sự tham gia của 50 ngư dân đến từ 4 xã ven đầm là: Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa và Phước Thắng.
Các môn thi là sõng câu bơi dầm, sõng câu chống sào và đua thuyền rồng tập thể. Chiếc thuyền tham gia đua được thiết kế công phu với đầu rồng, trang trí nhiều hoa văn đẹp mắt. Cờ lệnh vừa phất lên, 4 chiếc thuyền rồng xuất phát cũng là lúc tiếng cổ vũ, tiếng hò reo, tiếng trống thúc giục làm sôi động cả vùng sông nước.
Lễ hội mang tính chất cổ vũ phong trào rèn luyện sự dẻo dai phục vụ đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, mặt khác thể hiện nét văn hóa đặc trưng của người dân miền ven biển.

Một số lễ hội Bình Định khác
Trên địa bàn tỉnh Bình Định còn một số các lễ hội dân gian sau đây du khách cũng rất nên tới tham gia, trải nghiệm một lần:
– Đêm hội Tháp Đôi: Tổ chức vào tối Mồng 2 tết âm lịch tại di tích Tháp Đôi, Tp Quy Nhơn.
– Lễ kỷ niệm ngày giải phóng Quy Nhơn: Tổ chức ngày 31/03 (Dương lịch) tại trung tâm thành phố Quy Nhơn.
– Lễ hội Vía Bà: Tổ chức vào ngày 17 tháng Giêng tại thôn Cảnh Hàng, xã Nhơn Phong, Thị xã An Nhơn.
– Lễ hội Cầu ngư Thuận Phước: Tổ chức vào ngày 16 tháng 02 (Âm lịch) tại thôn Nhân Ân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước.
Update thêm nè
– Lễ hội Cầu ngư Đề Gi: Tổ chức vào ngày 10 tháng 04 (Âm lịch) tại thôn An Quang, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát.
– Lễ hội Cầu ngư Hưng Lương: Tổ chức vào ngày 10 tháng 05 (Âm lịch) tại làng Hưng Lương, xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn.
– Lễ hội Tiền hiền: Tổ chức vào ngày 20 tháng Giêng tại danh thắng Hầm Hô, huyện Tây Sơn.
– Lễ hội Đào Duy Từ: Tổ chức vào ngày 17 tháng 10 (Âm lịch) tại đền thờ Đào Duy Từ, thuộc thôn Ngọc Sơn Bắc, xã Hoài Thanh Tây, huyện Hoài Nhơn.
– Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam tại Bình Định: Định kỳ tổ chức 2 năm 1 lần vào các năm chẵn, tại thành phố Quy Nhơn, huyện Tây Sơn,Tuy Phước và Thị xã An Nhơn.
Trên đây là danh sách những lễ hội Bình Định phổ biến và các lễ hội đặc sắc khác bạn nên tham gia khi du lịch tới miền đất võ. Đừng quên đặt lịch tới đây vào mùa lễ hội để trải nghiệm, khám phá rõ hơn cuộc sống, những phong tục, tập quán của con người nơi đây.
Chang (tổng hợp) – luhanhvietnam
Các bạn có thể xem thêm về Du Lịch Cù Lao Xanh tại đây
Tour Cù Lao Xanh đi ghép trong ngày Giá Rẻ Chất Lượng